Chuyện tình Trường Sa

(Có người gọi đó là mối lương duyên giữa Đoàn viên thanh niên và những chiến sĩ Trường Sa trong một chuyến hải hành đặc biệt. Có người nói, đó là những tình yêu sâu đậm nhất, chân thành nhất họ từng được nghe…

Tháng 4/2009, chuyến tàu đầu tiên chở những đại biểu là đoàn viên ưu tú đại diện cho các tỉnh, thành Đoàn trong cả nước đến với Trường Sa. Chuyến tàu ấy chở cả tình yêu đến đảo xa…

Anh vẫn đi tìm dù có thể sẽ lạc em mãi mãi

Nguyễn Hồng Nhung là cô gái hay bị say sóng nhiều nhất trong đoàn, nhưng không ai quyết tâm lên đảo bằng cô gái ấy. Khi trở lại tàu cô ấy hầm hập sốt. Câu chuyện cô ấy kể cho tôi như trong một cơn mơ. Mắt cô ấy còn ngấn nước, má đỏ bừng và luôn mỉm cười:

“Khi đoàn mình lên đảo Trường Sa Đông, sau khi phân công, tụi mình lẽo đẽo đi theo một anh chàng tên là Trần Hữu Toàn. Nhưng thay vì rối rít hỏi han (sau rất nhiều tháng mới có khách nữ lên đảo) thì anh chàng này buông mỗi một câu: “Mấy chị nữ đi theo tui”.

Mình chẳng thể lý giải nổi vì sao mình lại cứ thích đi theo anh chàng hải quân lạnh nhạt với phụ nữ ấy. Cứ không thấy anh ấy là mình lại căng mắt kiếm tìm để lại gần và nói vài câu bâng quơ.

Lúc mình mệt lử và lạnh, anh Toàn lấy áo cho mình mặc. Mọi người cứ tròn xoe mắt vì bỗng đâu có cô nữ hải quân lạc trên đảo. Cái cách mặc áo xộc xệch của mình làm anh ấy không yên tâm. Anh ấy chỉnh lại áo giúp mình, ân cần như ông anh đang chỉnh đốn một cậu em trai khó bảo. Lúc anh ấy làm trọng tài cho trận bóng chuyền giữa Đội đại biểu TƯ Đoàn và Đội Hải quân của đảo, mình dựa vào gốc cây bàng vuông, chỉ nhìn anh ấy…

Lê Ngọc Nhã Trang (SV ĐH Ngoại thương) tạm biệt các chiến sĩ trên đảo Tốc Tan. Ảnh chụp trong chuyến Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2009.

Đêm ấy đoàn ngủ lại đảo, hơn 10 cô gái được ở trong một phòng đẹp nhất trên đảo. Đây là phòng của anh ấy và đồng đội, nhưng để nhường cho khách họ đã phải di cư. Các cô ríu rít như con trẻ khi được các anh đến mắc giúp màn và lấy chăn, xếp chiếu. Có cô còn bất giác đứng phụng phịu giữa phòng, như sắp khóc đến nơi khi thấy có anh đem vào phòng giấy vệ sinh và đèn pin rồi đỏ mặt dặn dò: “Nếu buổi đêm các bạn muốn đi vệ sinh thì mình đã để sẵn đèn pin ở đây. Nhớ đi thẳng rẽ trái…”. Còn anh ấy thì lấy nước cho mình đánh răng buổi tối. Chưa bao giờ trong đời, mình nói chuyện với ai lâu và say sưa đến thế.

Anh ấy kể cho mình về người cha cũng là bộ đội. Về những ngày nắng khô hạn, mỗi đợt sóng biển dâng lên rồi rút xuống như thể kéo theo luôn màu xanh của đảo. Anh ấy kể về những hòn đảo anh đã đi qua. Cách nói chuyện của lính đơn giản mà dễ thương là vậy. Khi đã rất muộn rồi anh ấy nhắc mình vào đi ngủ, ngày mai còn lên đường.

Rồi mình trở lại phòng nhưng không biết rằng anh ấy vẫn ngồi phía ngoài cả đêm hôm ấy. Anh ấy bảo mình nằm ở một cái giường cạnh cửa sổ không chắc chắn cho lắm. Biết đâu, đêm ấy, gió lớn, cửa lại đập dồn, mình khó ngủ.

Khi mình trở lại tàu, anh ấy nhắn tin theo. Những tin nhắn rất vội vàng và đến liên tục. Anh ấy bảo phải nhắn thật nhiều vì một chút nữa thôi có thể sẽ không còn sóng liên lạc. “Tàu sẽ đi xa và biết đâu anh sẽ lạc mất em mãi mãi”.

Những ngày tiếp theo, anh ấy vẫn ngồi ở chỗ cả 2 đứa mình đã ngồi. Đồng đội anh Toàn cứ thắc mắc hoài. Trong buổi tối trên đảo ấy, trước khi mình quay về phòng anh Toàn nhìn rất sâu vào mắt mình và nói, một ít từ thôi nhưng dư chấn hình như lan đến tận cơn sốt của mình bây giờ, rằng: “Anh vẫn đi tìm em dẫu có thể sẽ lạc em mãi mãi””.

Ở đâu có lính đảo ở đấy có tình yêu

Cô sinh viên Võ Thụy Quỳnh Như (Nhà Văn hóa Thanh niên, Thành phố Hồ Chí Minh), nhỏ nhắn, xinh xắn lúc nào cũng ríu ran như chim non, vậy mà lúc lên tàu ngẩn ngơ, chẳng nói gì. Như bảo: “Mọi người lo cho các cô gái trên tàu chân yếu tay mềm lắm, sóng gió thế này. Có anh vừa nhắn tin cho Như bảo “Bão mà em nhắn tin được là anh yên tâm rồi”. “Mọi người đi, đảo buồn ngơ ngác…”.

Lúc gió lên bất thường, các xuồng lập tức phải quay về tàu lớn. Những cái vẫy tay vẫn còn chưa hết bịn rịn thì sóng nổi lên quất mạnh vào xuồng. Những người lính nhảy vội xuống nước đẩy xuồng ra ngoài để tránh bị mắc kẹt. Kiều Diễm ở Tỉnh Đoàn Bến Tre nói với tôi rằng: đó là lúc Diễm xúc động ghê gớm, các anh ấy ướt nhèm trong nước, cuống quýt lo cho sự an nguy của mọi người trên xuồng.

Đoàn Thị Kim Chi, cô sinh viên Trường ĐH Ngoại thương vẫn còn đỏ hoe mắt khi nghe xong câu chuyện tình yêu của anh sĩ quan Nguyễn Ngọc Quý. Ngày ra đảo, anh được bạn bè giới thiệu và kết bạn qua thư với một người con gái. Ngày ấy chỉ có những cánh thư chuyên chở tình yêu của đất liền và đảo. Sau một năm trò chuyện, qua những cánh thư, anh Quý dường như đã cảm nhận được trái tim mình thuộc về người con gái ấy. Chị đến nhà anh, chăm chút mọi việc trong gia đình đảm đang như cô con dâu. Ba mẹ anh đều mến.

Ngày anh trở về nhà, không thể tin nổi cô gái ấy xinh đẹp, dịu dàng, nết na đến thế, còn hơn cả những gì anh tưởng tượng qua những cánh thư. Nghỉ phép chẳng được bao lâu, anh nhận quyết định công tác 3 năm trên đảo. Anh lại đi, ra đảo chừng nửa tháng rồi viết về một lá thư chừng nửa trang giấy. Lá thư ngắn nhất mà hai anh chị từng có với nhau. Anh nói với chị rằng: đừng chờ đợi anh nữa, chị xinh đẹp, trẻ trung, không có lý gì chị phải đợi chờ một người đi biền biệt… Anh có thể sẽ ở đây 3 năm hoặc lâu hơn thế. Chị đừng đợi anh làm gì… Lá thư gửi đi rồi mà lòng anh dày vò, đau đớn.

Nhưng chị ấy đã đợi, đợi đúng 3 năm thì anh trở về. Giờ, họ đã cưới nhau và có một cô con gái xinh xắn. Anh Quý cho mọi người xem tấm hình con gái và vợ. Ở mỗi chiếc bàn, trong những căn phòng trên đảo lúc nào cũng có những tấm hình là vợ, là con, là người yêu của lính.

Những chú chó ở Trường Sa là bạn bè đặc biệt thân thiết của lính. Những chú chó được gọi bằng tên người yêu của các anh, với Trang, Thu, Cúc, Hoà, Vân Anh, Ngọc Ánh… Những cái tên lúc nào cũng được gọi lên thiết tha trìu mến. Ngày hôm trước cả đảo vui lắm, hết thảy xôn xao: “Anh em ơi, Vân Anh đẻ rồi”. Có anh đang gọi về cho vợ trong lúc như thế, chị vợ cứ thắc mắc hoài là Vân Anh nào đẻ.

Vũ Tô Sa Anh (Học viện âm nhạc Quốc gia) giao lưu cùng chiến sĩ đảo Phan Vinh

Đám cưới trong chờ mong

Trên con tàu HQ957 ấy có một địa điểm rất đẹp để ngắm trăng: đó là chiếc ghế xanh bên cạnh cabin, mạn tàu. Nhưng cứ hễ có ai có ý định lên đó ngắm trăng là sẽ thấy anh Thiện hải quân và chị cán bộ Đoàn tại TPHCM đã chiếm chỗ tự khi nào. Họ cứ “độc quyền” như thế cùng thưởng thức những đêm trăng lãng mạn trên biển.

Những ngày không có trăng, gió to, sóng cả, chị cán bộ Đoàn Thành phố mệt phờ vì say sóng, anh hải quân lại vội vàng xuống phòng chị thăm hỏi và săn sóc. Chuyến hải hành dù đặc biệt nhưng cũng đến lúc phải kết thúc. Thời gian gặp gỡ quá ngắn ngủi nhưng đầy ắp ánh trăng và những kỷ niệm đẹp của cả hai người. Khi chị trở về cứ treo lên status hoài những nỗi nhớ mong, da diết

Theo San Hải
Sinh Viên Việt Nam